3 lợi ích bất ngờ khi chia nhiều bữa nhỏ trong ngày

Bên cạnh việc chia bữa ăn thành 3 bữa chính (bữa sáng – bữa trưa – bữa tối) đã được công nhận là mang lại hiệu quả tối ưu, hiện nay đã có rất nhiều người lựa chọn và áp dụng một phương pháp khác cũng mang lại nhiều lợi ích không kém: Phương pháp chia nhỏ bữa ăn. 

Phương pháp này là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những người có mong muốn điều chỉnh cân nặng và vóc dáng (tăng cơ, giảm mỡ,…) và người già, đặc biệt là những người mắc các bệnh chuyển hóa, chẳng hạn như tiểu đường, thường xuyên bị hạ đường huyết,… Đối với một số người có cuộc sống bận rộn và không có đủ thời gian nghỉ dài để ăn những bữa lớn, việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày cũng trở nên phù hợp hơn.

1. Duy trì mức đường huyết ổn định

Ăn 3 bữa chính trong ngày có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao và hạ thấp đột ngột, trong khi chia thành các bữa ăn nhỏ hơn có thể giúp ổn định mức đường huyết trong suốt cả ngày. Nồng độ đường huyết trong cơ thể thường xuyên tăng và giảm đột ngột là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường hoặc dẫn đến nhiều biến chứng sau này. 

Đặc biệt, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng đường trong máu được kiểm soát tốt hơn vào buổi sáng. Người bệnh tiểu đường nên lựa chọn bữa sáng là bữa lớn nhất trong ngày bởi nó giúp duy trì đường huyết ở mức tốt hơn so với bữa tối, từ đó làm giảm lượng đường huyết trung bình hàng ngày.

Vì vậy, cần tạo cho mình thói quen ăn uống đúng giờ và điều độ, tránh để bản thân ở trong trạng thái quá no hoặc quá đói, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

2. Dễ dàng kiểm soát lượng calories nạp vào cơ thể

Chia nhỏ các bữa ăn cũng được chứng minh là giúp cải thiện cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn nhiều hơn so với ăn các bữa ăn lớn. Sự thèm ăn sẽ xảy ra khi bạn ở trong trạng thái quá đói trong một khoảng thời gian dài, điều này sẽ được cải thiện khi chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày bởi khoảng cách về mặt thời gian giữa các bữa ăn cũng sẽ được rút ngắn lại. Khi đói, bạn thường có xu hướng ăn vặt hoặc ăn thật nhiều để lấp đầy chiếc bụng đang rỗng. Điều này khiến bạn khó có thể kiểm soát được loại thức ăn và lượng calories nạp vào cơ thể. 

Chính vì vậy, việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc lên kế hoạch và lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng cho bản thân mình.

3. Duy trì năng lượng cho một ngày dài

Các bữa ăn nên được sắp xếp cách nhau từ 2 – 3 giờ vì đây là khoảng thời gian cơn đói thường quay trở lại sau khi ăn. Có bao giờ bạn cảm thấy bụng của mình bỗng dưng cồn cào và khó chịu, mặc dù bạn đã ăn rất no trong bữa chính không? Nếu trải qua cảm giác đó, bạn dễ có xu hướng trở nên mệt mỏi, bực bội và kiệt sức. Không ai có thể sinh hoạt thoải mái và làm việc hiệu quả với trạng thái cạn kiệt năng lượng như vậy.

Chia nhỏ các bữa ăn sẽ giúp tâm lý của bạn thoải mái vì được ăn dàn trải cả ngày, không lo bị đói hay thiếu năng lượng vì đói. Nhờ đó, bạn có thể giữ cho mình một tâm thế tốt hơn khi thực hiện các hoạt động thường ngày và nâng cao hiệu suất công việc.

Cần lưu ý gì để chia nhiều bữa nhỏ trong ngày một cách hiệu quả?

Đầu tiên, bạn hãy nhớ rằng: ăn nhiều bữa NHỎ. Bạn cần chú ý đến khẩu phần ăn hàng ngày và đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết để duy trì hàng ngày cần được chia ra cho số bữa ăn trong ngày một cách vừa đủ và phù hợp.

Ví dụ: Bạn cần 1.800 calories để duy trì năng lượng trong 1 ngày và chọn ăn 5 bữa mỗi ngày, vậy bạn nên ăn 360 calo/bữa hoặc cân đối thành 3 bữa chính, mỗi bữa 500 calo và 2 bữa phụ, mỗi bữa 150 calo.

Lượng calories thực tế có thể tăng lên gần như gấp đôi nếu bạn không kiểm soát được kích cỡ của từng phần ăn. Bên cạnh đó, các bữa ăn nhỏ thường là thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn nhẹ thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, bạn cần chú ý lựa chọn cho mình những bữa ăn nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Dưới đây là một số gợi ý khác dành cho bạn:

  • Tập trung vào trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo.
  • Đa dạng hoá nguồn protein đến từ các loại hải sản, thịt nạc và gia cầm, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành.
  • Thường xuyên cung cấp nước cho cơ thể, áp dụng công thức 400ml/10kg (Ví dụ: Bạn nặng 50kg, bạn cần uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày)
  • Hạn chế đường bổ sung, cholesterol, chất béo dạng trans và chất béo bão hòa đến từ các loại bánh kẹo, đồ ăn được chế biến bằng cách chiên rán nhiều dầu mỡ,…

Mỗi người có một cơ thể khác nhau, vì vậy nên bạn cần lắng nghe cơ thể và có thể thử nhiều phương pháp để lựa chọn cho bản thân một thói quen ăn uống phù hợp nhất. Cho dù là chia ra 3 bữa chính theo quan niệm truyền thống hay chia ra 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày, mỗi phương pháp đều mang lại những lợi ích riêng biệt cho từng đối tượng. 

Nhìn chung, bên cạnh việc điều chỉnh tần suất bữa ăn sao cho phù hợp với cơ thể, thói quen và lối sống của bản thân, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo cho bản thân một chế độ ăn cân bằng, điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *